I. Quá trình tìm tiên tổ:
Gia phả họ Phan Bắc Sơn, Bắc Thành mới được ông Phan Xuân Hưng ghi chép vào năm thứ 3 đời vua Thành Thái. Mở đầu cuốn gia phả ông Hưng đã viết "...Từ trước đến nay chúng ta không biết được nguồn gốc tổ tiên, việc đó cũng một phần do thời buổi loạn lạc, giặc giã, thiên tai, dân tình lộn xộn...".
Thời đó chỉ biết có một ngôi mộ giữa ruộng ở đồng Làng nam và gọi đó là mộ ông tổ 7 đời, ông tổ đó đã xây cơ lập nghiệp ở xóm Quán, là con nhà giàu có và đó là ông thủy tổ của chi ta. Đáng tiếc là tên tuổi ông tổ 7 đời đó là gì? ở đâu tới? Vợ con ra sao? thì bản gia phả ông Hưng không đề cập tới.
Đến năm Bính Tý Bảo Đại vua (1936) họ đã sửa lại nhà thờ, sau đó họ có cử các ông Phan Xuân Phổ tức Cố Ký là tộc trưởng, ông Phan Xuân Danh (lý trưởng) và ông Tường (cố Điện) đi các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc để tìm họ. Khi đến Đa Phúc sau khi trình bày sự việc, ông tộc họ Phan ở đó cho mời các cụ trùm trong họ lại và xin được thỉnh cầu thần tổ. Ngài chỉ phán: Có 1 chi ở Kim Thành gần chân rú Gám thuộc xã Xuân Nguyên (Nay xã Xuân Thành), sau đó họ ta xin được đối chiếu gia phả. Khi nghiên cứu gia phả thì thấy có ngài tên là Phan Đình Sanh thuộc đời thứ 6, vợ là bà Võ Thị Loan sinh được 3 người con trai là Phan Đình Xưa, Phan Đình Nay và Phan Tất Cái (tự Chính Tín) và một người con gái là Phan Thị Đời. Ông Xưa và ông Nay ở lại xứ đó làm ăn còn ông Cái và bà Đời đã dời đi nới khác. Đối chiếu lại thì ông Cái (tự Chính Tín) thuộc đời thứ 7 ở Đa Phúc và rất có thể là chủ nhân của ngôi mộ tổ 7 đời ở đồng Làng Nam như gia phả ông Hưng đã ghi.
Văn tự để lại còn có giấy bàn giao giữa họ đại tôn Đa Phúc và chi họ ta như sau: Ngày 16 tháng giêng năm Đinh Mão (1937) các chú thuộc nhánh Yên Thành vào nhà thờ Đa Phúc để xin rước chân hương và vong ling tiên tổ về thiết lễ nhà thờ và xin tổ đại tôn cho ghi chép lại sự tích tiên tổ để về thờ cúng.
Người bàn giao ở Đa Phúc Người nhận bàn giao ở Tiên Thành
Phan Đình Oanh Phan Xuân Phổ
Phan Đình Nhân Phan Xuân Danh
Từ đó đến nay các bác ở họ Đại Tôn Đa Phúc và con cháu chi họ ta thường xuyên qua lại thăm viếng lẫn nhau. Nhất là các dịp kỵ tổ vào rằm tháng 7 ở Đa Phúc và giỗ hiệp kỵ 12/2 ở chi ta hai bên đều cử các đoàn có già, có trẻ về yết bái tổ tiên.
Từ khi tìm được họ đến nay, con cháu nội ngoại họ Phan ta xem ra đã yên ổn hơn trước nhiều, con cháu đông đúc, tuổi thọ tăng thêm, làm ăn khấm khá, nội ngoại ý hợp tâm đồng. Đặc biệt là qua 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ con cháu họ Phan kế tiếp nhau lên đường đánh giặc tất cả đều được trở về an toàn. Hẳn đó cũng là nhờ hồng phúc tổ tiên ban phát mà có.
II. Tóm tắt tiểu sử Đức Tổ Phan Nhân Tường ( Danh nhân lịch sử văn hóa )
Tiến sỹ Phan Nhân Tường sinh năm Giáp Tuất (1514) tại thôn Bạch Xá, xã Hoàng Xá, Tổng Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
Tương truyền rằng tổ tiên ta vốn gốc ở Trung Quốc đến đây xây cơ lập nghiệp đã nhiều đời.
Năm 1543 Phan Nhân Tường đậu hương cống (Cử nhân)
Năm 1546 vua Lê Trang Tôn lập đại bản doanh tại Thanh Hóa. Cũng năm đó Vua mở ân khoa nhằm chọn nhân tài ra giúp nước. Xứ Hoan - Diễn (Nghệ An) có 11 người đậu tiến sỹ. Phan Nhân Tường đứng đầu bảng và ông được vua Lê giao giữ chức "Giám sát Ngự Sử" sau lại được thăng lên giữ chức "Tri thẩm hình viện đại phu".
Năm 1576 (Bính Tý) đất nước xẩy ra nhiều cuộc binh đao giữa 2 thế lực Nam Triều và Bắc Triều (Lê - Mạc) từng là vị quan suốt 30 năm, lúc này Phan Nhân Tường đã trở thành 1 dũng tướng, cũng trong thời gian này nhà Mạc (Ngụy) sau khi đánh chiếm xứ Thanh Hóa, chúng vượt biển đánh tiếp xứ Nghệ An. Phan Nhân Tường được vua Lê giao nhiệm vụ cầm quân thủy chiến với địch. Trong lúc giao chiến ông đã anh dũng hy sinh như một vị anh hùng. Hưởng thọ 62 tuổi. Ghi công ông vua Lê phong quốc sắc truy tặng:
"Dự bảo Trung hưng, thông minh anh đoán, đoan túc tôn thần, bảo quốc đại vương - Phan Tướng Công".
Ông sinh được 4 người con trai ai cũng thông minh đậu đạt.
- Phan Đạt đậu hương cống (Cử nhân) khoa Kỷ Tỵ (1576).
- Phan Đệ đậu hương cống (Cử nhân) khoa Kỷ Mão (1579)
- Phan Đạo đậu hương cống (Cử nhân) khoa Ất Dậu (1585)
- Phan Bình trúng thí tiểu khoa
Hậu duệ tôn Phan Tộc của ta trực hệ tổ Phan Đạo.
Thông qua 28 đạo sắc của các triều vua đồng thời qua các tư liệu như: Gia phả, bia đá, các sách vở con lưu giữ ở thư viện trung ương và tỉnh Nghệ An đền thờ và miếu mộ tiến sỹ Phan Nhân Tường tại xã Thanh Hà và xã Thanh Giang (Thanh Chương) đã được nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa ngày 30/04/2000.